Xung quanh ta đều có những hoạt động trưng bày sắp xếp để thúc đẩy doanh thu. Hơn thế nữa, việc sắp xếp trưng bày hiện nay còn là một thông điệp, một phong cách mà thương hiệu muốn truyền tải đến người tiêu dùng.
Trưng bày và sắp xếp hàng hóa (VM) là một ngành tưởng chừng mới nhưng không mới tại Việt Nam. Xung quanh ta đều có những hoạt động trưng bày sắp xếp để thúc đẩy doanh thu. Hơn thế nữa, việc sắp xếp trưng bày hiện nay còn là một thông điệp, một phong cách mà thương hiệu muốn truyền tải đến người tiêu dùng.

1.Đối với anh Ngành VM có ảnh hưởng như thế nào trước và sau dịch covid?
Tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều các công ty đang mở rộng tuyển dụng Visual Merchandising và các bộ phận khác liên quan đến bán lẻ, đây có thể xem là một dấu hiệu cực đáng mừng vì chứng tỏ thị trường đang dần hồi phục. Ngày càng có nhiều hãng thời trang từ nước ngoài và nội địa nở rộ sau dịch, chứng minh ngành thời trang Việt Nam đang ngày một phát triển. Các phân khúc cũng ngày càng đa dạng như phân khúc cao cấp như LV Vietnam, Gucci,... Các dòng thương hiệu thời trang “nhanh” Inditex VN (Zara, Massimo Dutti, Pull&Bear), hay các thương hiệu được nhượng quyền từ các công ty lớn như Maison,DAFC,… Ngành thời trang ngày một phát triển, thì càng cần hơn sự đầu tư hơn cho từng bộ phận trong thương hiệu, từ đó cơ hội việc làm cho ngành thời trang sẽ ngày càng rộng mở.
2.Anh nghĩ người Việt đã thật sự hiểu rõ bản chất của ngành nghề này có những gì chưa? Tại sao?
Dựa trên quan điểm cá nhân thì anh cảm nhận rằng: chỉ những công ty về thời trang, bán lẻ họ sẽ hiểu về lĩnh vực này ở mức căn bản hoặc tầm trung, còn lại đa phần là không hoặc rất mơ hồ. Có thể giải thích là do thị trường mình chưa thật sự quan tâm hoặc nghiêm túc nhìn nhận về nghề nghiệp này, họ chỉ cho rằng đây là công việc thêm của người bán hàng, bày biện sao cho hợp mắt là được, chưa có cái nhìn quá sâu sắc và nghiêm túc cho ngành này. Đến nay chưa có một trường đại học nào đào tạo chính quy về nghề này (đa phần chỉ dạy một học kỳ và cũng chỉ chú trọng đến thiết kế cửa sổ trưng bày).
3.Tiêu chuẩn như thế nào để gọi là một cửa hàng đẹp?
Anh không có một quy chuẩn nhất định cho một cửa hàng đẹp/xấu (anh định nghĩa theo một cửa hàng chuẩn). Một cửa hàng chuẩn sẽ phải đảm bảo nhiều yếu tố quan trọng như:
- Vị trí cửa hàng
- Cách thức tổ chức và trưng bày có thật sự thu hút và hỗ trợ tối đa trải nghiệm khi khách tham quan
- Cách mình duy trì mọi hoạt động của cửa hàng (bao gồm con người & vật chất) có đúng với quy định hay DNA, câu chuyện mà thương hiệu đang muốn truyền tải hay không?
4. Một cửa hàng đẹp có quan trọng đến hàng hóa và hàng tồn kho của nó không? Và điều đó ảnh hưởng gì đến những phần còn lại của thương hiệu?
Vấn đề về nguồn hàng hoá cũng quyết định khá nhiều trong việc trưng bày , cách làm mới cửa hàng, lịch thay đổi trưng bày, mannequin, và rất nhiều các vấn đề khác…Hàng hoá là một phần quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số. Gốc rễ của hàng tồn kho phải dựa trên phân tích dữ liệu, cũng như cảm nhận khách hàng (ví dụ như sản phẩm đẹp nhưng quên trưng bày, hoặc trưng ở góc chết nên khách hàng không có cơ hội trải nghiệm thì đó là vấn đề của VM và ngược lại thì đó là vấn đề thuộc bộ một bộ phận khác). Việc trưng bày ảnh hưởng đến phần định danh giá trị thương hiệu, doanh số, và khách hàng. VÌ vậy đối với anh khái niệm VM và MKT làm việc chung với anh thật sự chưa đủ, tất cả các phòng ban đều phải được phối hợp với nhau để có câu chuyện thống nhất cho thương hiệu. Visual Merchandising không chỉ xuất hiện khi đã có cửa hàng, đây là ngành cùng đi với thương hiệu ngay từ lúc bắt đầu.
5.Anh nghĩ ngành VM có thể phát triển theo hướng nào khi hiện nay con người đang hướng tới phát triển thực tế ảo?
Khi đi đến một mức độ phát triển không ngừng, thì giá trị cốt lõi sẽ quay về. Sản phẩm chúng ta làm ra để phục vụ cho con người chứ không phải cho thực tế ảo (đây chỉ là một platform tạo sự thuận tiện phục vụ con người và không có khả năng thay thế). Khách hàng có thể mua thử chiếc váy 1,2 lần đầu trên nền tảng thực tế ảo, để lấy trải nghiệm tương tác với không gian và trải nghiệm mới..nhưng về lâu dài điều chúng ta thật sự cần là CẢM NHẬN THẬT hay LÀ MỘT KHÔNG GIAN TƯỞNG TƯỢNG. Có thể Visual Merchandising sẽ phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống tương lai. Nhưng với cá nhân anh ở thời điểm này thì anh chưa tin lắm vào điều đó.
(Hình ảnh: Tổng Hợp)