Thời trang trong văn hóa Việt
VĂN HÓA VIỆT TRONG THỜI TRANG
Trang phục truyền thống hay trang phục dân tộc, nó là một phần không thể tách rời của văn hóa Quốc gia, trên hết đó là Quốc thể. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố về địa lý, các giai đoạn lịch sử mà những đặc trưng văn hóa trên trang phục của các nước sẽ có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là sự ảnh hưởng ít nhiều của các nền văn hóa lớn đến các nước lân bang. Và Việt Nam ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên trải qua hàng ngàn năm định hình và phát triển, văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn giữ được bản sắc rất riêng. Tất cả bản sắc ấy thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện của nghệ thuật truyên thống, trong đó có trang phục và các ngành nghề có liên quan.
Ở Việt Nam ngày nay, mọi người đã bắt đầu quan tâm và có ý thức với văn hóa truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Với sự nhiệt tình cùng với kiến thức về văn hóa- lịch sử nhất định, các bạn đã và đang phục hồi cũng như quảng bá văn hóa nước nhà theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống là một mảng rất rộng và sự "đứt gãy" văn hóa do nhiều nguyên nhân của biến cố thời cuộc làm cho văn hóa truyền thống đã không còn đầy đủ và trọn vẹn như nó vốn có, nên việc phục hồi, tái hiện nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ thì dễ dẫn đến sai sót, thậm chí bị biến dạng. Đó là điều chúng ta phải chú ý thận trọng.
TƠ TẰM TRUYỀN THỐNG
Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là một nghề truyền thống lâu đời của người Việt ta. Trải qua nhiều thăng trầm, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề tằm tang đang dần mai một. Nói về nghề dệt, các làng nghề phân biệt rất kỹ về tên gọi cũng như đặc điểm các mặt hàng ( cấu trúc dệt). Vì đặc trưng thời tiết cơ bản sẽ có 2 mùa nóng và lạnh, nên các mặt hàng tơ tằm được dệt ra cũng phải phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ta có thể tạm chia ra 2 mùa tương tự như thời trang Tây phương: xuân hè và thu đông.
Xuân hè, người Việt sẽ có các hàng tơ như: đũi, nái, the, sa (sa nam và sa bắc), quế, xuyến, vân, lụa, là...
Thu đông, các mặt hàng đòi hỏi phải dày dặn hơn để giữ ấm: lãnh, đoạn, gấm, vóc..
Ngày xưa, các mặc hàng tơ tằm rất đa dạng thường được dệt trơn hay dệt hoa văn là tùy vào mỗi làng nghề, hoặc có những loại hoa văn đặt biệt để phục vụ tầng lớp thượng lưu, quý tộc cho đến Hoàng gia.
Người Pháp khi sang Việt Nam khai thác thuộc địa, họ từ sớm đã thống kê tên gọi( dịch sang tiếng Pháp), cho sản xuất để phục vụ nhu cầu của tầng lớp thượng lưu của bổn quốc, sau này họ vẫn duy trì sản xuất một số mặt hàng mà ở Việt Nam đã không còn sản xuất ví dụ như vải nhiễu cát mà người Pháp đặt tên là Crepê de Chine hay vải đoạn tức là satin 8.
KỸ THUẬT MAY TRUYỀN THỐNG
Người Việt Nam thời trước, rất cầu kì trong cách chọn lựa chất liệu, màu sắc cho y phục.
Bởi dưới thời phong kiến, chất liệu và màu sắc trên y phục nói lên rất nhiều điều: xuất thân, địa vị xã hội...Chính vì sự khắt khe đó, nên người mặc, cũng phải cân nhắc lựa chọn để không phải tội " tiếm dụng" hay phạm thượng. Vì có những màu sắc hay hoa văn chỉ dành riêng cho quan lại cấp cao triều đình để phân định phẩm trật, hay có những mặt hàng với kỹ thuật dệt, hoa văn, màu sắc chỉ dành riêng cho Hoàng gia.
Với sự đặt biệt của các mặt hàng tơ tằm, nên kỹ thuật may cũng không thể sơ sài.
Với y phục xưa, từ dân thường cho đến hoàng tộc đều được cắt may rất khéo, có lẽ do người Việt Nam vốn tính tỉ mỉ và khéo léo, một phần cũng do quan điểm thẩm mỹ thời bấy giờ. Mùa nóng thì may áo đơn ( áo 1 lớp), mùa lạnh thì may áo kép ( may có lớp lót). Tất cả đều dùng kỹ thuật may giấu đường chỉ, có chi tiết sẽ luông tay, có chỗ may lộn, đặc biệt với các áo có tà rộng như áo dài, thì các tà đều được viền nẹp nhỏ, mục đích để giữ tà áo cứng cáp, khi mặc sẽ khép tà ( không lộ quần) nhằm tăng tính thẩm mỹ cho trang phục. Mỗi đường cắt, ráp vải trên y phục đều có công năng của nó, nó do nhiều nguyên nhân về khổ vải, tập tục...
Có thể gọi đó là kỹ thuật may đo cao cấp cũng không có gì là sai, bởi từ chất liệu tơ tằm, cho đến kỹ thuật may, tất cả đều là những nguyên liệu tốt nhất, kỹ thuật may đo tinh tế nhất của Việt Nam thời bấy giờ và nó vẫn còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại.
MÀU SẮC TRUYỀN THỐNG
Ngoài tạo hình về đường nét thì màu sắc là một trong những đặc điểm rất riêng của nghệ thuật truyền thống, nó tạo nên bản sắc, và đặc điểm nhận dạng giữa các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên màu sắc lại là phần khó phân tích, bởi nó đòi hỏi phải có sự nghiên cứu lâu dài, đa đạng từ các hiện vật gốc, hiện vật nguyên bản.
Người Việt Nam có một hệ màu rất riêng, chúng ta tạm gọi là " hệ màu ngũ sắc Việt Nam", nó khác với hệ màu của Tàu hay Đại Hàn, Nhật Bổn.
Từ xưa, người cũng dùng các quy tắc về sử dụng màu tương đồng và tương phản tương tự như lý thuyết mỹ thuật hiện đại. Điều thú vị là các màu dùng đều là màu trung gian ( giáng sắc) rất ít khi dùng màu gốc ( chính sắc) , các màu trung gian này lại dùng rất "mạnh tay" ví dụ như các màu cam, chàm, hồng, tím...
Tuy vậy, tổng thể tạo ra lại hài hòa, sang trọng, rất riêng, nó không bị rờ rợ như Tàu ( Thanh), tươi tắn quá như Đại Hàn...
Mỗi chất liệu lại có cách phối màu khác nhau, từ tranh giấy, gỗ đến các họa tiết trên đồ thêu...nhưng đều tuân thủ các nguyên tắc bất thành văn của hệ màu " ngũ sắc”.
Tham khảo khoá học '' Văn Hoá Việt Trong Thiết Kế Thời Trang''
Khai giảng '' Văn Hoá Việt trong Thời Trang''