Mary Quant: Nguồn cảm hứng vô tận đến từ những điều đời thường
Một bài viết mang tính tham khảo về cảm xúc và góc nhìn của Dave Trott, một nhà bình luận người Anh, trước 2 triển lãm của Christian Dior và Mary Quant, cũng như hé mở cho chúng ta nguồn cảm hứng và phong cách sáng tạo của 2 nhà thiết kế lừng lẫy này.
Vào tháng 02 năm 2020, có hai triển lãm thời trang quốc tế đang đồng thời diễn ra tại V&A ở nước Anh, một trong những bảo tàng nghệ thuật và thiết kế hàng đầu thế giới. Dave Trott đã đến bảo tàng này cùng với vợ, Jane và 2 con của ông. Nhưng vì mỗi người lại thích xem một triển lãm khác nhau nên họ đã quyết định là vợ và các con của ông sẽ tham gia 1 trong 2 triển lãm, và ông sẽ đi cùng họ đến cái còn lại.
Triển lãm mà Jane cùng các con tham gia có tên là: CHRISTIAN DIOR, NHÀ THIẾT KẾ CỦA NHỮNG GIẤC MƠ. Triển lãm này được diễn ra liên tục trong 6 tháng và thu hút hơn 600.000 người tham dự, một con số kỷ lục tại V&A, nhưng Dave Trott thì lại không mấy hứng thú đến triển lãm này. Theo bạn thì lý do của ông là gì?
(Hình ảnh trong Triển lãm CHRISTIAN DIOR, NHÀ THIẾT KẾ CỦA NHỮNG GIẤC MƠ)
Trang phục của Dior mang một phong cách trang trọng và cổ điển, và tất nhiên là dành cho giới thượng lưu: những ngôi sao Hollywood như Marlene Dietrich và Ava Gardner, hay người của hoàng gia như Công chúa Margaret. Dior là thương hiệu quần áo đắt nhất thế giới: một chiếc váy thông thường có giá 2.500 đô la và một chiếc khăn lụa là 1.150 đô la, thương hiệu Dior trị giá 11,9 tỷ đô la và tạo ra doanh thu 34 tỷ đô la mỗi năm. Trang phục của Dior thường được corseted và khá gò bó. Một số người có thể rất thích phong cách này, nhưng một bộ phận khác thì không. Dave Trott là một trong số đó và có lẽ là cả Coco Chanel: “Chắc chỉ có một người đàn ông rất ít khi thân mật với phụ nữ mới có thể thiết kế ra một thứ gì đó quá cứng nhắc và không thoải mái như vậy.”
Thế nhưng Dave Trott lại rất hào hứng đến xem 1 triển lãm khác của một nhà thiết kế có lẽ là “ít nổi bật” hơn Christian Dior một chút nhưng bà đã góp 1 phần không nhỏ giúp cho cuộc sống của tất cả mọi người dễ dàng hơn: đó là MARY QUANT. Trước đó, tất cả váy đầm đều phải dài dưới đầu gối vì hầu hết phụ nữ lúc bấy giờ đều mang “suspenders stockings”, 1 dạng vớ da giống như hình ảnh ở bên dưới, và những chiếc váy ngắn trên gối tất nhiên sẽ làm lộ ra điều đó.
(Hình ảnh minh họa cho “suspenders stockings” những năm 1940s)
Nhưng Mary Quant đã nảy ra một ý tưởng mới, một cải tiến dựa trên những “suspenders stockings” đã có nhưng làm sao để chúng trở nên nhỏ gọn và tinh tế hơn. Bà đã gọi chúng là “panty hose”, 1 dạng vớ da cải tiến giống như hình ảnh ở bên dưới.
(Hình ảnh minh họa cho “panty hose” những năm 1950s)
Và từ đó, bà đã tiếp tục cho ra mắt và phổ biến mini-skirts, chiếc váy ngắn nhất mà bất cứ ai đã từng thấy. Giải thích cho sự cải tiến này, bà cho biết: “Tôi thích váy ngắn vì tôi muốn chạy và bắt kịp xe buýt để đi làm.” Bà hiểu được vị trí của thời trang trong cuộc sống đời thường của mọi người: “Thời trang là một công cụ để cạnh tranh trong cuộc sống bên ngoài ngôi nhà của bạn. Mọi người thích bạn hơn mà không hiểu tại sao, và mọi người luôn phản ứng tốt hơn với một người mà họ thích ngoại hình của cô ấy.” Vì vậy, trang phục của bà rất thú vị, chúng dễ dàng di chuyển hơn, chúng trẻ hơn, rẻ hơn và táo bạo hơn.
Bà cũng chính là người đã phổ biến những thứ mà hiện nay chúng ta gọi là áo ngực thể thao (sports bra), chiếc áo lót mà không có khung dây, không có dây cài, chỉ cần trơn tru và vừa vặn với cơ thể: bà gọi chúng là ‘Booby Traps’. Bà bán lông mi giả trước sân của mình, thứ mà các cô gái có thể cắt chỉnh độ dài bao nhiêu tùy ý. Bà cho biết: “Những nguyên tắc được đặt ra chỉ dành cho những người lười biếng, những người không nghĩ gì đến bản thân của mình.” Bà không thích bị ràng buộc bởi những quy ước, giống với Picasso và Warhol, đối với bà thì “Chuẩn mực là cái chết. Sự táo bạo mới là cuộc sống.”
(“Good taste is death. Vulgarity is life.”)
Mary Quant không hoàn toàn tiếp nhận được ý tưởng từ các nhà thiết kế khác mà tập trung lấy ý tưởng của mình từ các cô gái trên đường phố và từ quần chúng. Bà đặt mình vào vị trí của người mua để nghĩ điều mà họ nghĩ: “Là một nhà thiết kế, tất cả những gì tôi có thể làm là dự đoán được một xu hướng trước khi mọi người cảm thấy nhàm chán với những gì đang có ở hiện tại. Nó chỉ đơn giản là vấn đề của việc tôi cảm thấy nhàm chán trước họ mà thôi.” Đó có thể là lý do tại sao, không giống như Dior, 7 triệu phụ nữ (trong thế giới đời thực) đều có ít nhất một mảnh trang phục Mary Quant trong tủ quần áo của họ.
Có một lời khuyên của Mary Quant mà tôi rất tâm đắc, một trong những lời khuyên có giá trị nhất cho bất kỳ người làm sáng tạo nào trong bất kỳ doanh nghiệp nào, một lời khuyên về sức mạnh của những ý tưởng: “Một trong những điều tôi đã học được là không bao giờ dự trữ ý tưởng, bởi vì chúng sẽ không liên quan đến thực tế hoặc đã bị lỗi thời. Dù bạn có ý tưởng gì, hãy để nó đến.”
(Biên soạn từ bài bình luận của Dave Trott)