Đôi lời tản mạn về áo dài... của đàn ông Việt Nam
Cho đến thời điểm hiện nay, rất nhiều người, kể cả nhà thiết kế, lịch sử văn hoá, nghệ sỹ, nhà quản lý… phần lớn không thiện cảm với áo dài nam truyền thống. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Cho đến thời điểm hiện nay, rất nhiều người, kể cả nhà thiết kế, lịch sử văn hoá, nghệ sỹ, nhà quản lý… phần lớn không thiện cảm với áo dài nam truyền thống. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Trong khi đó áo dài nữ đã tiến xa và được thịnh hành không những với phụ nữ Việt Nam mà cả phụ nữ thế giới. Bao nhiêu lời lẽ hay đẹp, lãng mạng người ta dành cho áo dài nữ thì bấy nhiêu lời lẽ chê bai, cay độc dành cho áo dài nam như: nhếch nhác, phong kiến, cổ hủ,…
Suốt chiều dài lịch sử chúng ta thấy sự phát triển không ngừng của Áo dài nữ, mỗi lần cách tân áo dài nữ, người ta lại thấy được sức sống của nó. Nhưng với Áo dài nam có một số phận vô cùng cay nghiệt. Đến thời điểm hiện nay, Áo dài nam đã bị trượt xa không còn mang bản sắc văn hóa đàn ông Việt. Thân phận của áo dài đàn ông Việt được ví như một di sản bị bỏ quên.
Tiền thân Áo dài ngày nay được gọi là Áo ngũ thân tay chẽn, ra đời trong bối cảnh Nhà Nguyễn. Cuối thập niên 1950 ở miền Bắc, trang phục áo dài, hình ảnh nhân vật trên sân khấu đã in sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt và nó trở thành hình mẫu phổ biến được sử dụng rộng rãi, cho dù cách may, mặc của loại áo dài này không đúng, thiếu sự tinh tế. Bởi nếu quay ngược lại về xuất phát của áo dài ta sẽ thấy nếu mặc đúng Áo dài truyền thống thì sẽ tạo cho người ta vẻ khoan thai, tự tin, khiêm nhường, kín đáo và thoải mái. Ví dụ như khi ngồi xuống ghế, tà áo phải che kín đầu gối, phải tạo sự lịch sự với người đối diện. Khi đứng hoặc đi, áo tạo ra vẻ oai vệ, linh hoạt, sang trọng.
Dần đến giai đoạn hiện đại sau này, sự xuất hiện của trào lưu rất phổ biến lấy danh nghĩa áo dài cách tân. Ví dụ các nhà thiết kế may tà áo rất hẹp và thân bó sát. Khi ngồi ghế, đàn ông bao giờ cũng dạng chân rộng hình chữ V, như vậy tà áo cách tân hẹp không thể che được gối. Nếu mặc áo cách tân tiếp khách thì rất bất tiện và thiếu lịch sự bởi tà trước của áo sẽ xô lệch, nhăn nhúm.
Ta vẫn có thể cách tân, nhưng phải trong một khuôn khổ điều chỉnh để nó vừa phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay, vừa giữ nguyên một biểu tượng văn hoá của Việt Nam.
*Bài viết được tổng hợp từ những nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Bình*

Hình ảnh của thành viên CLB Đình Làng Việt mặc áo dài truyền thống dạo phố Hà Nội