Cội - Kilomet 109 - Vũ Thảo
Khi mà hầu hết chúng ta mỗi lần nghe đến thuật ngữ Bền Vững, thì nghĩ ngay đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, rác thải, khí thải... Tuy nhiên yếu tố con người, công bằng xã hội, phá vỡ vòng đói nghèo và bảo tồn truyền thống văn hóa, tất cả đều được gói gém trong những mặt hàng được làm từ chất liệu truyền thống.
1. Nguồn gốc địa phương trong chất liệu truyền thống
Vải bông nhuộm chàm của người Nùng, Cao Bằng / Photo KILOMET109
Những năm gần đây, sản xuất địa phương trở thành yếu tố quảng bá, điểm vượt trội cho các thương hiệu, sản phẩm thời trang và thiết kế nói chung. Trong chuyến đi của mình tới tp Los Angeles, Mỹ vào năm 2012 đến đâu mình cũng thấy các cửa tiệm thời trang, thiết kế chào mời, câu kéo khách hàng bằng câu mở đầu: It’s local made....Mặc dù mình biết có thể chỉ là công đoạn đóng gói được gia công ở LA mà thôi. Nhưng do đâu mà sản xuất địa phương trở thành miếng mồi thơm như thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị thống lĩnh bởi những tập đoàn?
Hãy nhìn vào những tác động đến môi sinh cụ thể là lượng khí thải của một cái áo phông :
70% từ sản xuất
22% từ vận chuyển
4% từ phân phối
Còn lại từ giặt giũ và bỏ đi
The environmental footprint of a T-Shirt/ Những tác động môi sinh của một cái Áo-Phông (theo Sandra Roos)
Nghĩa là nếu chúng ta gia chế tại địa phương thì 22% + 4% sẽ được can thiệp. Ngoài ra cái phần 70% kia mà lại được địa phương hoá tối ưu bằng cách sử dụng những nhiên liệu sạch, năng lượng chế tạo sạch thì tác động của việc sản xuất địa phương trong chuỗi cung ứng là cực lớn.
Bên cạnh đó, chế tác địa phương thể hiện được tính kết nối của sản phẩm truyền thống. Mang độ diễn giải cao về xuất xứ khiến hình ảnh của người nghệ nhân, cộng đồng nghệ nhân trở nên hữu hình hơn.
2. Nhận dạng văn hoá của chất liệu truyền thống
1986, mình chạm tay vào khung cửi lần đầu tiên. Đó là ở cái xưởng dệt lụa Sồi của tư nhân tên Minh Hồng, Đông Hưng, Thái Bình, nơi Mợ của mình làm thợ dệt. Cái xưởng dệt toạ lạc ngay đầu ngõ nhà mình đối diện với một lò bánh mì của công ty lương thực huyện, ngày đêm lách cách thoi đưa và tiếng cười nói ríu ran. Cái xưởng có các lớp cửa sổ lớn bằng kính, khung sơn màu xanh lá cây, nên mỗi lần đi học qua mình chỉ việc kiễng chân lên là biết được trong đó đang diễn ra những gì hay mợ mình hôm đó có đi làm không. Mợ mình rất chiều cô cháu gái. Mặc dù có quy định cấm trẻ em của xưởng sản xuất mợ thỉnh thoảng vẫn để mình lẻn vào nghịch vặt như nhặt cái này, lấy cái nọ cho các chị, các cô. Thỉnh thoảng mợ còn cho mình quay sợi hay đưa thoi. Một chốc, một lát thôi! Cái xưởng đó duy trì được khoảng gần 5 năm trong thời kỳ bao cấp sau đó tan rã không dấu vết. Mợ mình mất việc đột ngột xoay ra làm đủ thứ nghề cho đến tận ngày hôm nay và chẳng cái nghề nào ra hồn. Đất của xưởng cũng nhanh chóng bị xẻ nhỏ để đấu giá bán cho các hộ dân. Ký ức về cái xưởng dệt đó đối với mình chỉ còn lại là những tiếng lanh canh hoà lẫn với những tiếng cười khúc khích của các cô, các chị thợ dệt.
2009, sau khi vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang mình mới lại có dịp được chạm tay vào một cái khung cửi thứ 2. Và đó là khung cửi của người Nùng, Cao Bằng hoàn toàn thô sơ. Gần 2 tiếng loay hoay mắc sợi lên khung, sau khi các chị Nùng đã làm hết các phần khó nhất mình mới dệt được một đường đầu tiên. Lâng lâng mất mấy ngày!
Khung cửi dệt vải của người Nùng, Cao Bằng / Photo KILOMET109
Dệt vải là một loại hình văn hoá dân gian có tuổi đời lâu nhất và gắn bó sinh tử với loài người nhất. Người Berber thuộc dãy núi Atlas ở Tây Bắc Phi, với họ dệt vải được nhìn nhận như một phép ẩn dụ về vòng đời của con người. Sinh ra và chết đi tương đương với việc bắt đầu dệt một mảnh vải và cắt nó khỏi khung khi hoàn thành. Còn người phụ nữ Tà Ôi, Pa Cô, miền trung Việt Nam thì dệt được một tấm zèng đẹp đồng nghĩa với việc khẳng định sự trưởng thành của người con gái. Phẩm chất của người phụ nữ thể hiện trên tấm zèng họ dệt và cũng là điều kiện dẫn đến đời sống hôn nhân của họ. Hay như rất nhiều văn hoá dân tộc thiểu số ở miền bắc Việt Nam ví dụ như người Tày, Nùng, H’mông, Dao... dệt một thước vải đẹp cho những dịp quan trọng của cuộc đời như cưới xin, ma chay, lễ hội là việc tối thượng và dệt để làm trang phục cho lúc chết cũng quan trọng như lúc sống. Mình đã được ngắm nghía những trang phục những tấm vải của đồng bào dân tộc thiểu số làm cho họ lúc viên tịch. Chúng nguyên bản, đầy đủ, chau chuốt, cầu kỳ là tất nhiên rồi nhưng ngoài ra chúng được nâng niu gói ghém như linh vật và rất hiếm khi bị bán chác. Việc lo áo quần cho hậu sự cũng quan trọng như dựng cỗ áo quan. Mới thấy cách đón nhận cái chết thật trang trọng như là lễ ngênh tiếp một vòng tuần hoàn khác của kiếp người.
Lan man thế để biết được chất liệu truyền thống giúp hình thành cấu tạo về sự tồn tại của con người. Giúp chúng ta duy trì sự kết nối với quá khứ. Tôn vinh tính đa dạng văn hoá. Giúp chúng ta xác định được vị trí địa lý, dấu ấn bản sắc của mỗi một bản thể văn hoá. Quá nhiều chất liệu truyền thống đang bị đe doạ hoặc đã hoàn toàn biến mất vì chúng ta đã không nhìn nhận đúng đắn về chất liệu truyền thống.
3. Sinh kế bền vững từ chất liệu truyền thống
Khung cửi của người Thái, Mai Châu dệt hoạ tiết cách tân/ Photo KILOMET109
Một cách tiếp cận mới mẻ của rất nhiều các thương hiệu bền vững, các nhà thiết kế thế hệ xanh là giúp đỡ các nghệ nhân bằng việc hỗ trợ họ tìm tòi những phương pháp vận dụng & kết hợp sáng tạo để làm ra những sản phẩm hấp dẫn hơn thị hiếu hiện đại mà không bị ảnh hưởng đến truyền thống của họ, đồng thời giáo dục người tiêu dùng về tầm quan trọng của chất liệu truyền thống đối với các nền kinh tế cơ sở. Chất liệu truyền thống có khả năng bảo toàn được nguồn lực lao động địa phương. Giúp giảm thiểu tỉ lệ di cư đến các thành phố lớn, tránh được sự bùng nổ dân số đô thị đang tăng vọt những năm qua đồng thời duy trì được độ đa văn hoá của đất nước. Di cư có thể cải thiện tình hình tài chính nhất thời cho người chế tác truyền thống nhưng lại không phải từ nghề truyền thống của họ mà chủ yếu từ những nghề làm dịch vụ cho những nhu cầu của lối sống đô thị hoá, hiện đại hoá. Việc này sẽ đẩy cái kết buồn cho nghề làm chất liệu thủ công đến nhanh hơn bao giờ hết!
4. Thân thiện môi sinh của chất liệu truyền thống
Người H’mong Xanh, Hoà Bình gặt cây lanh/ Photo KILOMET109
Hầu hết các chất liệu truyền thống đều tận dụng những nguyên liệu tại địa phương. Và những nguyên liệu này đều có gốc gác tự nhiên nên có khả năng phân huỷ sinh học cao. Các phương pháp chế tác truyền thống có một chu trình tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều so với các chu trình công nghiệp. Vì chúng được thực hiện bằng tay là chính. Kể cả việc chế tác nguyên liệu thô như gieo trồng, gặt hái thì mức độ tổn hao như nguồn nước cho tưới tiêu, điện năng cho vận hành máy móc vẫn thấp hơn rất nhiều so với chuỗi sản xuất công nghiệp. Và trên hết bản tính của Người Việt nhất là ở vùng nông thôn vốn luôn chắt chiu. Chất liệu truyền thống được làm kỹ lưỡng cũng bền hơn nhiều so với chất liệu nhân tạo. Và nó thường có giá trị trường tồn (timeless) về cả kiểu cách đến chất lượng.
Rất nhiều lần mình bị chất vấn trong các hội thảo/các buổi nói chuyện/các buổi tập huấn: là các mẫu tk làm từ chất liệu/phương pháp truyền thống không thể bền bằng chất liệu tổng hợp nhân tạo được? Và có một lần, sau khi giải trình lòng vòng rồi mà có vẻ người hỏi không đả thông lắm mình đành trả lời củ chuối kiểu như: nếu so với độ tuổi để phân huỷ sợi nylon và sợi hữu cơ thì bạn đúng quá. Sợi nylon mất từ 20 – 200 năm để phân huỷ trong khi sợi cotton chỉ mất 4 – 5 tháng. Và bỏ lửng ở đó với hy vọng bạn ý sẽ tự hoá giải thắc mắc của bạn ý.
Ngoài ra rác từ sợi tổng hợp sản sinh khí mêtan một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước. Xử lý hay để tái chế những chất liệu tổng hợp nhân tạo rất tốn kém, một số là không thể.
Đối với mình, thách thức của chất liệu truyền thống có lẽ là giá thành, tốn công và không đủ đa dạng để cạnh tranh với các thể loại công nghiệp hàng loạt. Tuy nhiên có nhiều hướng để khắc phục những điểm yếu này như là biến tấu về kiểu dáng thiết kế, cấu trúc thiết kế hay áp dụng một số phương pháp trang trí khác để hỗ trợ cho chất liệu truyền thống. Vẻ giản dị, lành lành của chất liệu áp dụng phương pháp chế tạo truyền thống nhiều khi là cái toan sáng tác rất kỳ thú cho những ý tưởng mới lạ.
Đấy! Trong khi chúng ta đang lóng ngóng để tìm cách giải quyết những tác động tiêu cực đến môi sinh của nền công nghiệp thời trang, thiết kế thì các chất liệu truyền thống, phương thức chế tác truyền thống là một giải pháp hiệu quả hơn hẳn và có sẵn nhé!
Hà Nội 07/2019
V.T