CHRISTIAN DIOR BAR JACKET - 73 năm 1 chiếc áo
Hãy nhìn chiếc áo trị giá 4.600USD này . Một chiếc áo của nhà Dior. Không chỉ vậy, nó còn là một chiếc áo có lịch sử 73 năm - tương đương một đời ngườI, với đầy đủ những đổi dời đây đó của cả trăm phiên bản…
1. Mùa xuân 1947 khi tiết trời vẫn còn vương vấn cơn giá lạnh u ám mùa đông, Christian Dior đem đến một bộ sưu tập khiến giới mộ điệu bừng tỉnh nhận ra mình vừa được chiêm ngưỡng một làn gió mới NEW LOOK mang tính chấn động. Tâm điểm của bộ sưu tập - chiếc áo Bar Jacket - đã ngay lập tức trở thành một hiện tượng đình đám. Bar Jacket có phom dáng (silhouette) được đặt tên “8” (hay còn gọi là đồng hồ cát) với đường nét ôm cong, độn phồng chân áo, định hình rõ sự chênh lệch vai-eo-hông.
Acacias suit, haute couture spring/summer 1949 collection, Trompe l’oeil line. Christian Dior.Photo: Associations Willy Maywald / ADAGP, 2020 / Courtesy of Christian Dior.
Đi cùng với nó là chiếc váy thít eo, xếp li, rộng xoè dài quá gối - là phom dáng chính còn lại gọi là “Corrolle” trong bộ sưu tập Mùa xuân 1947 của nhà Dior . Chiếc áo này đã tiếp tục hiện diện trong suốt 22 bộ sưu tập sau đó của nhà mốt lừng danh với những phiên bản khác nhau cho đến khi ông đột ngột ra đi vào năm 1957 . Trong các phiên bản khác nhau của mình, Dior đã tạo ra những biến đổi ở cổ, ve và vạt áo, chất liệu và màu sắc, một chút biến đổi về phom ở phần thân, nhưng nhìn chung vẫn giữ vững phom dáng số 8 huyền thoại như là một chuẩn mực mang tính định nghĩa thời trang thanh lịch kiểu Pháp (French chic) lúc bấy giờ.
Premier Avril suit, haute couture spring/summer 1950 collection, Verticale line. Christian Dior. Photo: Associations Willy Maywald / ADAGP, 2020 / Courtesy of Christian Dior.
2. Năm 1958 - 1960, kế nhiệm Christian Dior là nhà thiết kế Yves Saint Laurent tài năng. Có lẽ muốn tạm dừng chân cho 10 năm thống trị của Bar Jacket, mà cũng có thể là tài năng và khát khao tạo mới của bất cứ một nhà thiết kế nào, Yves đã phá vỡ triệt để khuôn mẫu và các chuẩn mực đang đóng đinh vào quan niệm thời trang thời kỳ này bằng việc giới thiệu đến giới mộ điệu một phom dáng mới đầy tính khiêu khích và gây tranh luận - “Trapeze Line”. Trapeze Line hoàn toàn gỡ bỏ vòng eo con kiến của hình dáng số 8 để đưa vào phom dáng tam giác của một chiếc đầm rộng xoè đều và dài đến đầu gối. Bar Jacket do vậy không được tái hiện trong khoảng thời gian 3 năm khi Yves cầm chịch chiếc ghế chủ trì tại đây. (ngoài lề: 3 năm ngắn ngủi kết thúc bằng một vụ kiện tụng pháp lý, nhưng đó là 1 câu chuyện khác )
3. Năm 1961, Brit Marc Bohan đã thay thế YSL để cai quản nhà Dior trong suốt 28 năm sau đó. Bộ sưu tập đầu tiên của Bohan đã làm mềm đi các đường cong gắt gao kinh điển của phom dáng số 8 lẫn độ phồng của chiếc áo. Nếu Bar Jacket của Christian Dior năm 1947 là một “New Look” tạo nên cơn sốt rúng động vì đưa ra một hình dáng thời trang mới mẻ thì bộ sưu tập đầu tiên của Bohan tại nhà Dior là một “Slim Look” đem đến phong cách trẻ trung và nhẹ nhàng của thời đại với việc trau chuốt nét đẹp mềm mại, mảnh mai và tinh tế nhưng vẫn tôn trọng thiết kế huyền thoại của nhà thiết kế sáng lập
Suit from the haute couture autumn/winter 1968 collection. Christian Dior by Marc Bohan. Photo: Courtesy of Christian Dior.
4. Năm 1989, đến lượt mình, Gianfranco Ferré đã thổi vào chiếc áo hơi hướng cấu trúc khối to lớn và mạnh mẽ cho các thiết kế của nhà Dior, tạo nên sự liên tưởng đến các kiến trúc của thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử - đồ sộ và nguy nga, tráng lệ. Bar Jacket, theo đó, trải qua một giai đoạn tràn đầy tính phóng khoáng và lộng lẫy dưới bàn tay của nhà thiết kế người Ý tài hoa
Forcément dress, haute couture spring/summer 1991 collection. Christian Dior by Gianfranco Ferré.Photo: Guy Marineau / Courtesy of Christian Dior.
5. Năm 1996, John Galliano gia nhập nhà Dior để đem đến một sự bứt phá khác về tính trình diễn xuất sắc và nét xa hoa đỉnh cao với mỗi bộ sưu tập là một buổi trình diễn hấp dẫn, ấn tượng và ngoạn mục. Bar Jacket trong giai đoạn này vì thế mà đậm tính sân khấu sàn diễn và ngập tràn nét xa hoa lộng lẫy
Haute couture autumn/winter 2009 collection. Christian Dior by John Galliano.Photo: Guy Marineau / Courtesy of Christian Dior.
6. Năm 2012, giám đốc sáng tạo mới gia nhập của nhà Dior một lần nữa thực hiện một bước đi gần như phủ định người tiền nhiệm của mình. Raf Simon với phong cách cách tân/hiện đại (modernist) và đậm tính điêu khắc đã đem đến một cuộc đổi gió hết sức quý phái trong nét đẹp của sự thuần khiết tinh tế, trong sự thanh tao nhẹ nhàng mà sang trọng một cách đanh thép
Haute couture autumn/winter 2012 collection. Christian Dior by Raf Simons.Photo: Courtesy of Christian Dior.
7. Từ năm 2015 đến nay (2020), nhà thiết kế nữ đầu tiên tại Dior - Maria Grazia Chiuri - đã đem đến tầm nhìn mang tính ý niệm (conceptual) và nghệ thuật cho nhà mốt này (và đương nhiên là cho cả chiếc áo huyền thoại) thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ và trí thức. Chiuri theo đuổi quan điểm nữ quyền, nhưng thực hành của cô vẫn gắn chặt vào nét nữ tính duyên dáng mà ngài Dior năm nào ưa chuộng.
Ready-to-wear spring/summer 2017. Christian Dior by Maria Grazia Chiuri. Photo: Yannis Vlamos / Indigital.tv.
Bar Jacket một thời biểu trưng cho tính yểu điệu thục nữ thắt đáy lưng ong thế mà lại vẫn cực kỳ phù hợp để biểu đạt quan điểm nữ quyền của thời đại. Bar Jacket do vậy xuất hiện trong hầu hết các bộ sưu tập của Chiuri. Nếu phom dáng hiện đại đem đến tính thân thiện cho phụ nữ (women-friendly) thì tính cực nữ (hyperfeminine) trong thiết kế của Chiuri lại thổi vào chiếc áo hơn 70 năm tuổi cái hồn của nét đẹp cổ điển, quyến rũ mà không kém phần uy quyền
---
Lược, dịch & châm thêm ngu ý : nartel
(Nguồn: Tiziana Cardini, Vogue - 02/2020)
#hautecouture #barjacket #DiorBarJacket #dior #cuocdaochoithoitrang #nartel
Nguồn: Tran Le