ÁO DÀI QUA GÓC NHÌN CỦA PROFESSOR - NGUYỄN ĐỨC BÌNH

The Professor's Voice - Nguyễn Đức Bình Một chuyên gia am hiểu về lịch sử áo dài sẽ chia sẻ những bí mật đầy sự nghệ thuật cho các đọc giả về một trong những nét đẹp văn hoá của đất nước Việt Nam.
Theo dòng chảy lịch sử, áo dài Việt Nam qua từng thời kỳ có những tên gọi, vẻ ngoài khác nhau. Không chỉ thế, áo dài còn phát triển liên tục ở từng giai đoạn, tạo nên những nét cách tân đổi mới nhưng vẫn giữ được nét hồn cốt, truyền thống vốn có của chiếc áo.

ProfessorvoiceNguyenDucBin

1. Giá trị và di sản của Áo dài xưa và Áo dài cách tân khác và giống nhau ở điểm nào?

Chiếc áo dài xưa hay chiếc áo ngũ thân tay chẽn, là tiền thân của áo dài hiện đại có công năng sử dụng vô cùng phù hợp với vóc dáng cơ thể người Việt cũng như khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Với những đặc điểm này, kỹ thuật may, tạo hình của chiếc áo cũng như cách mặc đã phần nào bộc lộ rõ tính thẩm mỹ, tài khéo léo của người thợ, từ đó, thể hiện tinh thần, bản sắc của dân tộc qua tà áo dài truyền thống.

2. Những lỗi hay thấy trong việc cải cách Áo dài ngày nay?

Tuy có sự đổi thay và phát triển, song “cái giá” của những sự mới mẻ đó là những lỗi thiên về thiết kế là phần nhiều. Đặc biệt nhất là áo dài nam giới và trẻ em, là các thiết kế bộc lộ rõ sự dễ dãi của người làm thiết kế. Với nhiều chiếc áo dài, tác giả đã không nghiên cứu kỹ đặc điểm, vẻ đẹp của áo ngũ thân tay chẽn.

Ví dụ như, áo nam hiện nay may bó sát cơ thể, vai nối, độn vai theo kiểu Âu phục khiến người mặc khó cử động, không thoải mái khi tham gia vào nhiều hoạt động, khi thời tiết ở nước ta vốn nóng ẩm. Nhiều chiếc áo thiết kế vạt áo hẹp, thẳng đứng hình ống, tà áo xẻ trước ngực đã khiến chiếc áo dài không đúng với tinh thần và công năng của áo dài xưa, khiến người mặc khó lòng giữ được sự kín đáo khi ngồi trước người đối diện.
Chúng ta có thể đưa ra so sánh như sau: “Ngày xưa, ngoài lễ phục, những áo thường phục có hoa văn trang trí dệt, thêu rất tinh tế, hài hòa, cả về màu sắc. Khi mặc thì thể hiện được sự khiêm tốn, giản dị, khiêm nhường mà vẫn sang trọng. Nhưng ngày nay, nhiều kiểu áo được tô vẽ rồng phượng, hoa văn to lớn, màu sắc đối chọi… thiếu tinh tế, khiến người mặc khó hoà đồng với mọi người xung quanh. Cho nên, áo dài cách tân hiện nay làm người sử dụng khó mặc lâu và không có “tính thân thiện” trong giao tiếp”.
Muốn đưa ra giải pháp để bảo tồn giá trị truyền thống của áo ngũ thân tay chẽn, cần phải hiểu rõ các giá trị của nó, người may lẫn người mặc sẽ dễ dàng cách tân cho phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại.

3. Có cần thiết không khi phải lưu giữ các di sản trong việc thiết kế Áo dài hay nên phát triển Áo dài theo xu hướng Thế giới, để lại di sản vào quá khứ?

Lịch sử của trang phục cũng là lịch sử thay đổi theo thời gian. Trong từng hoàn cảnh cụ thể mà tà áo dài hàm chứa những nét văn hoá, lịch sử của mình. Thế nên nếu các cách tân đi quá xa, sẽ khó có thể mang được giá trị, bản sắc truyền thống.
Về phương diện quốc tế, sự sáng tạo đổi mới luôn được đề cao, cổ vũ, kể cả những giá trị truyền thống. Nhưng họ cũng bảo lưu các giá trị truyền thống làm nền tảng cho sự phát triển.

4. Lỗ hổng của di sản văn hóa nói riêng và Nghệ Nhân nói chung trong việc phát triển Áo dài?

Đúc kết lại, đa số thiết kế áo dài hiện tại không bám sát được các đặc điểm cốt lõi của áo ngũ thân tay chẽn. Có thể nói đây là một trong những “lỗ hổng” mà một di sản văn hoá đang gặp phải khi các thiết kế áo dài ngày nay có quá nhiều điểm yếu, không phù hợp với cơ thể người Việt, khí hậu Việt.

5. Điều muốn nhắn nhủ để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu Áo dài? Định hướng phát triển cho Áo dài Việt Nam?

Có khen ngợi thế hệ trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm về nguồn cội, tìm về các giá trị truyền thống ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên chính sự ngưỡng vọng truyền thống này phần nào đã khiến nhiều bạn bị nhầm lẫn, cảm tính và thiếu định hướng. Không ít bạn trẻ đã chọn lựa trang phục truyền thống để “mặc theo phong trào”, rồi muốn cách tân, thay đổi cũng theo… phong trào, trong khi bản thân chưa trang bị nền tảng kiến thức, tìm hiểu kỹ những giá trị truyền thống. Qua đó, mong rằng các bạn trẻ cũng cần cẩn trọng hơn, chậm hơn và kỹ lưỡng hơn khi tìm về các giá trị truyền thống, để phát huy hiệu quả các giá trị đó trong đời sống hôm nay.
Tin tức liên quan
Quản lý doanh nghiệp thời trang
Trưng bày và sắp xếp hàng hóa (VM) là một ngành tưởng chừng mới nhưng không mới tại Việt Nam.